Cách nhận biết, phân biệt và phòng bệnh tay chân miệng - sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết - tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, do vậy biểu hiện đầu tiên là sốt.
Tuy nhiên sốt xuất huyết thì sốt nổi ban màu đỏ, tay chân miệng có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước trên da. Đối với tay chân miệng dấu hiệu đầu tiên là sốt sau đó xuất hiện các nốt rải rác trong miệng, trong lòng bàn tay, bàn chân.
Những chú ý nhận biết bệnh tay chân miệng
Trẻ mắc tay chân miệng gặp nhiều ở nhóm 1-5 tuổi, nhất là ở nhóm trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo, bệnh thường lây theo đường tiêu hóa, trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3-7 ngày khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn lây từ trước.
Giai đoạn khởi phát: có thể kéo dài 1-2 ngày, trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Giai đoạn toàn phát: thường kéo dài 3-10 ngày, trẻ xuất hiện vết loét đỏ hay phỏng nước 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, dễ nhầm lẫn với chứng nhiệt miệng. Lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ có thể nổi hồng ban dạng phỏng nước, chứ không phải dạng ban đỏ như sốt phát ban hay sốt xuất huyết.
Sốt cao trên 39 độ C kèm quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân... là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng. Bệnh diễn tiến nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, run giật cơ, tim và mạch nhanh, thở nhanh, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
Giai đoạn lui bệnh: trẻ có thể hồi phục trong 3-5 ngày nếu không có biến chứng.
Những chú ý nhận biết bệnh sốt xuất huyết (SXH)
Giai đoạn sốt: sốt cao đột ngột 39-40 độ trong 2-7 ngày. Người lừ đừ, mệt mỏi, nhức đầu, đau họng, buồn nôn, nôn, có thể kèm viêm họng, viêm hô hấp trên, sổ mũi, tiêu chảy..., thường dễ nhầm lẫn với cảm sốt thông thường.
Giai đoạn nguy hiểm: giảm sốt và có thêm biểu hiện thoát huyết tương với các biểu hiện tràn dịch màng phổi, màng bụng, nề mi mắt và da căng. Thoát huyết tương nhiều dễ dẫn đến tình trạng sốc như vật vã, da lạnh, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm đột ngột... có thể bị xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu chân răng) và nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, chảy máu phổi, chảy máu trong cơ).
Hiện nay, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết chưa có vắc-xin để phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch không để “ dịch chồng dịch” Trung tâm Y tế Sóc Sơn khuyến cáo: Để phòng bệnh tay chân miệng cần rửa tay sạch sẽ, hướng dẫn và khuyến khích trẻ rửa tay đúng cách bằng xà phòng sát khuẩn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa.
Khử trùng đồ chơi hoặc rửa sạch đồ chơi của trẻ bằng xà phòng; lau sạch sàn nhà, bàn ghế bằng dung dịch sát khuẩn; tránh các hành vi tiếp xúc gần như ôm, dùng chung đồ dùng cá nhân; xử lý khăn giấy và tã lót đã sử dụng bằng việc thải bỏ rác đúng cách; khi trẻ đã mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc những nơi đông người cho tới khi các triệu chứng bệnh tay chân miệng đã khỏi hẳn.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom và xử lý các loại phế thải, phế liệu không để đọng nước, lật úp các dụng cụ phế liệu, dụng cụ chứa nước không cần thiết…Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hoá chất, phòng bệnh sốt xuất huyết.
Khi người dân có các dấu hiệu mắc tay chân miệng, sốt xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị .